KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

Chi phí - Lợi ích của mô hình ươm giống ba kích tím

1. Giới thiệu về cây Ba kích tím (Cây ruột gà tím)

   Ba kích tím còn gọi là Thao tầy cáy, Ba kích nhục, ba kích thiên, diệp liễu thảo, đan điền âm vũ…  Ba kích tím là cây leo, thân quấn; cụm hoa ở nách lá hay đầu cành; quả chín màu đỏ có hạt; rễ hình trụ tròn, giống như ruột gà, bên trong màu tím. Ba kích tím là cây nhiệt đới, sống nơi độ ẩm không khí cao; lượng mưa >1500 mm; đất ẩm, thoát nước. Có thể trồng dưới tán rừng, có độ che tán 30 - 50%.

2. Ươm giống và trồng cây Ba kích tím
    Nhân giống bằng cách gieo hạt hoặc giâm hom đều tốt. Khi cây con cao 30 - 40 cm, bắt đầu vươn ngọn, thì đem cây con đi trồng. Giống cây tốt thì chỉ sau khi dâm hom 3 tháng là có thể đem đi trồng. Nếu chưa đến mùa trồng thì có thể để trong vườn ươm hoặc túi bầu từ 5 – 7 tháng, nhưng phải lưu ý đảo bầu để cây không mọc rễ sâu xuống đất, sau này không nhổ được.
    Trồng cây Ba kích vào đầu xuân hoặc mùa thu, vào những ngày râm mát, mưa nhỏ, tránh ngày nắng gắt hay mưa lớn. Mật động trồng dưới tán rừng là 3.000 cây/ha;  trồng thuần Ba kích thì 6.500 - 8.000 cây/ha. Trước khi trồng cần đào hố kích thước 40x40x40 cm, bón lót phân hữu cơ/ phân chuồng hoai/ phân vi sinh hoặc mùn.
    Sau khi trồng nếu không có mưa thường xuyên thì cần tưới nước giữ ẩm. Khi cây leo cần làm giàn/ cọc leo, phòng trừ sâu bệnh, vun gốc và bón phân định kỳ, đảm bảo củ phát triển lớn để có năng suất cao.

3. Giá trị của cây Ba kích tím

    Cây trồng sau 2 – 4 năm mới khai thác củ. Củ của ba kích tím có màu củ bên ngoài vàng sậm, phần thịt bên trong có màu tím. Khi ngâm rượu làm cho màu rượu chuyển thành tím sậm. Phần khai thác là bộ rễ củ phát triển mạnh thành từng chùm rất lớn.

     Loài này là cây thuốc quý, có tác dụng chống viêm, giảm đau, chống oxy hóa… nên được dùng để tăng cường sức khỏe, chữa liệt dương, xuất tinh sớm, tăng huyết áp, thận hư, thoát vị, loãng xương. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, một số bộ phận của cây được sử dụng làm dược liệu chữa các bệnh phong thấp, giảm huyết áp, bổ dương. Người âm hư, hỏa thịnh, táo bón cấm dùng. Một số món ăn cũng sử dụng ba kích làm nguyên liệu chế biến như một thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe sinh dục cho nam giới.

      Cây ba kích được đánh giá là cây có giá trị kinh tế cao, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Bình quân, mỗi hốc ba kích cho từ 1-1,5 kg ba kích tươi, với giá bán từ 200.000 - 250.000 đồng/kg tươi tại vườn. Giá thị trường năm 2022 từ 200.000 – 250.000 đồng/1kg. Hiện nay ba kích được nhiều cơ sở dược liệu, cửa hàng thuốc đông y bán, dao động từ 250-280.000 đồng/kg (loại tươi) và 400.000-450.000 đồng/kg (loại khô).    

    Hiện nay, Công ty CP dược liệu Pù Mát đang xây dựng vùng nguyên liệu các loài cây bổ thận tráng dương như Dâm dương hoắc, Ba kích tím và Ngọc cẩu. Kế hoạch năm 2025, Công ty này sẽ có sản phẩm chế biến (cao, rượu, trà túi lọc, viên thực phẩm chức năng…) để bán ra thị trường. Ba kích có thể trồng dưới tán rừng thưa, độ tán che từ 20 – 35%. Nếu trồng dưới tán rừng thì với mật độ 3000 gốc/ ha, sau 3-4 năm, có thể thu hoạch từ 6 – 8 tấn/ha, thu về ít nhất 1,2 tỷ đồng.

Thái Bá Thám
Văn phòng Ban Quản lý