Ngày 14 tháng 9 năm 2021
Bước chân của chị đã trải khắp vùng núi rừng Tam Đình. Người phụ nữ dân tộc Thái ấy không quản ngại những cung đường hiểm trở bên sườn Đông Trường Sơn, có khi đã làm cho đôi chân như chực rụng ra khỏi cơ thể vì sự mỏi mệt. Chỉ với 5 tháng (thời gian từ khi chị làm cho dự án đến nay) với FCIM và Terra-i, chị đã trở thành một mũi tiên phong trong hoạt động giám sát rừng bằng công nghệ viễn thám. Chị là Đinh Thị Hiền, một sơn nữ của bản Quang Yên, xã Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Tiếng gọi từ rừng xanh
Người dân tộc Thái có câu “Tai pá phăng, nhăng pá liệng” - có nghĩa là “Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”. Câu tục ngữ này, chị Đinh Thị Hiền đã thuộc làu từ khi mới lớn lên ở bản Quang Yên. Với chị cũng như bao người dân nơi đây, rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó là nguồn sống của cộng đồng, là nơi cung cấp thức ăn, tăng thu nhập cho bà con nhân dân. Từ đời cha ông, việc ứng xử với rừng ở Quang Yên luôn được thực hiện theo một hương ước: mưu sinh từ rừng nhưng người dân phải bảo vệ, che chở nó. Việc khai thác rừng phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt mà cộng đồng dân bản đã đề ra.
Tuy nhiên, những năm gần đây, việc khai thác lâm sản gần như đã bị hạn chế triệt để, bởi những chủ trương, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề bảo vệ rừng. Từ đây, một vấn nạn đã diễn ra. Không ít đối tượng tìm cách xâm hại rừng. Hàng loạt thú hoang bị triệt hạ; nhiều thân cây, mảnh rừng trở thành tài sản bất hợp pháp khi bị chặt phá... Những lần lên rẫy, xuống nương, nhìn khu rừng nguyên sinh xanh thẳm trước đây giờ đã bị tàn phá, chị Hiền luôn đau đáu một nỗi niềm: phải làm gì đó để cứu lấy rừng. Nhưng vốn là nữ nhi chân yếu tay mềm, mong muốn ấy của chị dường như chỉ là một giấc mơ. Trên thực tế, ở bản của chị, các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng vẫn thường xuyên được thực hiện bởi các nhóm tuần tra. Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động này đều do Hạt kiểm lâm địa bàn lập kế hoạch và phối hợp với thôn bản để triển khai. Bởi thế, đối với cộng đồng, các thông tin mất rừng thường bị động, chưa được phát hiện kịp thời và cung cấp đầy đủ. Bên cạnh đó, do diện tích rừng quản lý lớn, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, thời gian thực hiện tuần tra kéo dài nên đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ. Công việc tuần tra bảo vệ rừng, vì vậy, luôn được xem là công việc của đàn ông.
Khi FCIM xuất hiện
Mong mỏi của chị Hiền và bao người dân bản Quang Yên nói riêng, xã Tam Đình nói chung đã có lời giải. Đó là khi hệ thống Mạng lưới giám sát độc lập thay đổi rừng được hình thành. Đây là mục tiêu của dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” do Liên Minh Châu Âu (EU) tài trợ. Trong năm đầu thực hiện, dự án đã thu hút trên 100 thành viên là các tổ chức xã hội và cộng đồng của 9 thôn bản, 3 xã của Huyện Tương Dương tham gia vào mạng lưới.
Những người yêu rừng, có trách nhiệm với rừng như chị Đinh Thị Hiền đã được tham gia lớp tập huấn của dự án. Trong giai đoạn đầu, các học viên được làm quen với 2 hoạt động cơ bản: hướng dẫn sử dụng hệ thống cảnh báo Terra-i trên máy tính và điện thoại thông minh để phát hiện các điểm mất rừng; hướng dẫn lập kế hoạch điều tra thực địa và báo cáo thông tin mất rừng trên hệ thống Terra-i.
Những cụm từ như “Công nghệ viễn thám” vốn không tồn tại trong từ điển ngôn ngữ bản địa của người Thái, giờ đây đã được cắt nghĩa trong các giờ lên lớp của đội ngũ cán bộ dự án. Vốn là người có nhiều trăn trở với thực trạng mất rừng ở địa phương, giờ đây, lại có cơ hội để trở thành thành viên tham gia mạng lưới giám sát rừng, chị Hiền đã tích cực trau dồi để nhanh chóng tiếp cận với hệ thống tri thức công nghệ, nhanh chóng trở thành một học viên có năng lực nổi trội. Chị Hiền cho biết: “Trước đây, tôi không biết khu vực rừng của bản mình quản lý nằm ở đâu, có diễn biến mất rừng như thế nào, nhưng nhờ hệ thống này tôi đã nắm bắt được thông tin về tình trạng rừng của địa bàn mình. Hệ thống Terra-i sử dụng khá đơn giản, có thể kiểm tra thông tin mất rừng ở bất cứ nơi đâu, người dân nào cũng có thể được tiếp cận thông tin mất rừng”.
Hành trình trả lại màu xanh
Sau khi tham gia khóa tập huấn, các học viên như chị Hiền sẽ trở thành những thành viên nòng cốt trong Mạng lưới FCIM từ cấp thôn bản đến cấp huyện. Bản của chị Hiền là một trong 9 bản đầu tiên của huyện Tương Dương triển khai thành lập nhóm FCIM cấp thôn bản. Bản đã tổ chức họp cộng đồng bầu chọn 10 thành viên tham gia nhóm FCIM. Các thành viên của nhóm là lực lượng nòng cốt của các tổ chức chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, chi hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên và các đội tuần tra bảo vệ rừng. Chị Hiền được bầu chọn tham gia vào nhóm FCIM bản và được phân công với vai trò là thủ quỹ nhóm.
Các thành viên FCIM bản Quang Yên tổ chức họp nhóm và lập kế hoạch hiện trường
Hàng tháng, nhóm của chị sẽ tiến hành kiểm tra hệ thống Terra-i, nếu phát hiện mất rừng, trưởng nhóm sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và tiến hành điều tra thực địa. Sau đó, nhóm sẽ cập nhật thông tin lên hệ thống Terra-i và báo cáo cho các ban FCIM cấp xã, huyện và các bên liên quan để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nhóm FCIM bản sẽ phối hợp với các thành viên trong mạng lưới FCIM Huyện Tương Dương xây dựng các bản tin truyền thanh và phát trên hệ thống loa phát thanh của bản nhằm tuyên truyền bảo vệ rừng tới các thành viên khác trong cộng đồng.
Theo chị Hiền: “Việc xác định các điểm mất rừng dễ dàng nên tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và công sức cho các tổ tuần tra bảo vệ rừng, góp phần ngăn chặn tình trạng mất rừng trên địa bàn. Hệ thống cũng đã tạo điều kiện cho mọi lực lượng trong bản, nhất là chị em chi hội phụ nữ được tham gia vào quá trình giám sát bảo vệ rừng trên thôn bản mình”.
Nhóm FCIM bản Quang Yên ghi chép lại các thông tin mất rừng
Ước mong của Đinh Thị Hiền cũng như bao người dân quê chị giờ đây đã trở thành hiện thực. Nhờ nỗ lực hoạt động của cá nhân chị và nhóm FCIM bản Quang Yên, nhiều diện tích rừng đang bị xâm hại đã được phát hiện và ngăn chặn; những đối tượng vi phạm pháp luật bảo vệ rừng đã giảm một cách đáng kể, bởi họ biết rằng: không thể lọt qua con mắt giám sát của hệ thống Terra-I và nhóm FCIM. Thành công bước đầu ấy đã nhân thêm niềm tin cho sơn nữ của rừng Pù Mát và các thành viên nhóm, để mỗi người tiếp tục dấn bước trên hành trình bảo vệ và gìn giữ màu xanh quê hương.
Phan Thị Thu Hiền - BQL Chương trình PTLNBV