Ngày 16 tháng 11 năm 2021
Các khu DTSQ thế giới được UNESCO công nhận trong khuôn khổ Chương trình sinh quyển và con người (sau đây gọi tắt là Chương trình MAB) được thành lập vào năm 1971. Chương trình MAB nghiên cứu và hỗ trợ các chiến lược về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và nâng cao các dịch vụ sinh thái. Các chiến lược này cũng đồng thời thúc đẩy việc sử dụng bền vững các dịch vụ sinh thái và phát triển cộng đồng.
Thuộc chương trình khoa học tự nhiên, Chương trình MAB thúc đẩy các nghiên cứu khoa học về mối quan hệ tương tác giữa con người với các hệ sinh thái. Hơn nữa, thông qua các hoạt động về khoa học, giáo dục, đào tạo và nâng cao năng lực của cộng đồng, Chương trình MAB cũng thúc đẩy sự hợp tác giữa tất cả các ngành khoa học liên quan để hiểu rõ hơn về sự tương tác giữa con người với thiên nhiên. Là một “chương trình liên chính phủ” của UNESCO, các quyết định của Chương trình MAB được đưa ra bởi “Hội đồng Điều phối Quốc tế” (hay còn gọi là Hội đồng MAB-ICC) – bao gồm đại diện của chính phủ các quốc gia thành viên, và được coi là đại diện cho cộng đồng toàn cầu. Hoạt động của Chương trình MAB được thực hiện trên cơ sở các tài liệu chiến lược để xây dựng khung chính sách của UNESCO cho điều hành và quản lý các khu DTSQ.
Khung chính sách của UNESCO về DTSQ bao gồm một bộ tài liệu hướng dẫn quốc tế dựa trên sự tự nguyện tham gia của các quốc gia thành viên, nhằm hỗ trợ việc quản lý các khu DTSQ.
• Chiến lược Seville: Chiến lược Seville dành cho các khu DTSQ xây dựng năm 1995, đặt ra các mục tiêu cụ thể cho các khu DTSQ của UNESCO và kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Các bên liên quan cần tham gia vào việc quản lý và thiết lập các khung tham vấn. Bên cạnh đó, cần phải đào tạo các bên liên quan để đảm bảo sự tham gia đầy đủ của họ trong lập kế hoạch, quản lý và giám sát khu DTSQ. Chiến lược Seville phác thảo khái niệm về khu DTSQ, nhấn mạnh rằng các khu DTSQ được xây dựng trên cơ sở 03 chức năng: bảo tồn, phát triển và hỗ trợ.
Chiến lược Seville còn phân vùng các khu DTSQ theo khu vực địa lý, bao gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Dù việc phân vùng địa lý này là không bắt buộc nhưng khái niệm lý thuyết này cũng được khuyến khích các quốc gia áp dụng.
• Khung nguyên tắc khu DTSQ (1995): Khung nguyên tắc của Mạng lưới các khu DTSQ thế giới bao gồm các tiêu chí và điều kiện rất cụ thể - trong việc lựa chọn đề cử các địa điểm là khu DTSQ của UNESCO, cũng như trong đánh giá định kỳ các khu DTSQ này. Khung pháp lý qui định trách nhiệm quản lý và điều hành các khu DTSQ thuộc về các quốc gia và tuân thủ theo khung pháp lý riêng của các quốc gia đó.3 Một số quốc gia đã ban hành luật và các văn bản pháp luật để thành lập các khu DTSQ, trong khi những quốc gia khác thì tiến hành điều chỉnh luật hiện hành để phù hợp với mục đích này.4 Về cơ bản, UNESCO không có trách nhiệm quản lý các khu DTSQ hoặc ban hành hoặc sửa đổi luật pháp để đáp ứng các yêu cầu của Chương trình MAB, mà đây là trách nhiệm của các quốc gia có các khu DTSQ được công nhận.
• Kế hoạch hành động Madrid (KHHĐ Madrid): KHHĐ Madrid dành cho khu DTSQ (2008- 2013) đã được thông qua tại Đại hội các khu DTSQ thế giới lần thứ 3, với mục đích thúc đẩy các khu DTSQ trở thành các mô hình phát triển bền vững (PTBV) trên toàn thế giới. Mục tiêu tổng thể của Kế hoạch này bao gồm: (i) tập trung hơn vào nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái; (ii) phát triển các khu DTSQ là các phòng thí nghiệm học tập; (iii) thu thập, tổng hợp và phổ biến thông tin của chương trình MAB; và (iv) khuyến khích một thế hệ lãnh đạo mới tập trung nhiều hơn vào các chương trình nghị sự về môi trường. KHHĐ Madrid một lần nữa nhấn mạnh các khu DTSQ của UNESCO là phòng thí nghiệm học tập về PTBV với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. KHHĐ Madrid là tài liệu chiến lược quan trọng trong giai đoạn 2008-2013, và kết quả của nó là cơ sở phát triển Chiến lược Chương trình MAB sau năm 2015.
• Khuyến nghị Seville +5 (2010): Khuyến nghị Seville +5 dựa trên cơ sở kết quả đánh giá 05 năm đầu tiên thực hiện Chiến lược Seville đã được thông qua tại phiên họp thứ 16 của Hội đồng Điều phối Quốc tế (ICC) năm 2000. Các khuyến nghị đề cập đến sự cần thiết phải có một quy trình đánh giá tốt hơn với các phương thức đánh giá phát triển hơn và sự liên kết tốt hơn với các khu DTSQ khác, cũng như sự cần thiết phải cải thiện tầm nhìn, hỗ trợ, tiếp cận và hội nhập hơn nữa với quy hoạch vùng và nền kinh tế địa phương. Ngoài ra, cũng nên ưu tiên sử dụng các khu DTSQ là các địa điểm học tập và phòng thí nghiệm sống để tăng cường các nghiên cứu về sự bền vững.5 Một khuyến nghị khác là các quốc gia tham gia nên thiết lập các khu DTSQ theo mô hình đồng quản lý đối với các khu DTSQ xuyên biên giới.
• Chiến lược Chương trình MAB (2015-2025): Chiến lược Chương trình MAB được thông qua nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên và các bên liên quan khác trong việc thúc đẩy các khu DTSQ và sự PTBV của các khu DTSQ.6 Các mục tiêu và mục đích chính của Chiến lược được xác định phù hợp với KHHĐ Lima đã được giới thiệu tại Đại hội Thế giới lần thứ 4 về các khu DTSQ vào năm 2016. Cụ thể, trọng tâm của chiến lược MAB là tăng cường vai trò và ảnh hưởng của Mạng lưới các khu DTSQ trên thế giới, thúc đẩy chia sẻ kiến thức, cải thiện các kỹ thuật đánh giá và nâng cao trách nhiệm giải trình, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý nhằm triển khai các chiến lược và chính sách liên quan trong thập kỷ tới một cách hiệu quả nhất.7 Hơn nữa, trong bối cảnh các Mục tiêu Phát triển Bền vững (MTPTBV) mới được Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố vào năm 2015, Chiến lược này nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ các quốc gia thành viên và các bên liên quan khẩn trương xây dựng các chính sách sao cho phù hợp với các MTPTBV này.8 Chiến lược này cũng lưu ý và khuyến khích các khu DTSQ thực hiện các Thỏa thuận đa phương về môi trường.9 Chiến lược MAB hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Mạng lưới toàn cầu các khu DTSQ nhằm thúc đẩy PTBV thông qua nâng cao chất lượng quản trị, tăng cường hợp tác và kết nối trong Chương trình MAB và Mạng lưới toàn cầu các khu DTSQ; và xây dựng, tăng cường quan hệ đối tác để đảm bảo khả năng phát triển dài hạn, cũng như thực hiện quy trình đánh giá định kỳ một cách hiệu quả để tất cả các thành viên của mạng lưới các khu DTSQ tuân thủ các qui định.10
• Kế hoạch hành động Lima (2016-2025) & Tuyên bố Lima (2016): Các mục tiêu trong Chiến lược Chương trình MAB đều đã được đề cập đến trong KHHĐ Lima và Tuyên bố Lima tại Đại hội thế giới về các khu DTSQ lần thứ 4 tổ chức tại Lima, Peru năm 2016. Tuyên bố Lima tổng kết các bài học kinh nghiệm từ Chương trình MAB và nêu lên các vấn đề cùng những nội dung chính cần thực hiện trong tương lai.11 Kết quả của Đại hội lần thứ 4 là đã xây dựng được KHHĐ mới cho giai đoạn 2016 – 2025, trong đó gồm một loạt các đề xuất hành động ngắn gọn và toàn diện nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả Chiến lược Chương trình MAB. Kế hoạch cũng xác định vai trò của các cơ quan có trách nhiệm chính trong triển khai thực hiện mỗi hành động, thời gian dự kiến và các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện.
Tương tự như vậy, KHHĐ Lima còn phác thảo một khung đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động theo các chỉ số này. Việc giám sát này sẽ được thực hiện trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với hệ thống đánh giá nội bộ của UNESCO (Bộ phận Giám sát Nội bộ - IOS). KHHĐ này đưa ra lưu ý đặc biệt rằng cơ quan đại diện quốc gia hoặc Ủy ban quốc gia Chương trình MAB của các quốc gia thành viên phải đệ trình báo cáo tiến độ thực hiện lên Hội đồng Điều phối Quốc tế (ICC) của Chương trình MAB trên cơ sở hai năm một lần. Hơn nữa, Ban thư ký Chương trình MAB và Bộ phận Giám sát Nội bộ của UNESCO sẽ tiến hành đánh giá giữa kỳ vào năm 2020 nhằm xác định hiệu quả của việc thực hiện KHHĐ Lima cho đến thời điểm đó.
KHHĐ Lima cũng khuyến cáo các Ủy ban Quốc gia và mạng lưới Chương trình MAB sử dụng khung đánh giá trên làm cơ sở tham chiếu chính khi xây dựng các chiến lược và KHHĐ của từng quốc gia nhằm phát triển các khu DTSQ và thúc đẩy việc công nhận rộng rãi trong tương lai.
Phan Sỹ Ninh - Dự án Jica