"Giàng” trong tiếng Thái có nghĩa là thịt để gác bếp. Bò giàng Kỳ Sơn từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng mà người ta mặc nhiên nhớ đến ngay mỗi khi nhắc tới mảnh đất vùng cao này. Chẳng ai nhớ bò giàng có từ khi nào, nhưng cái món ngon ấy được tạo ra một cách khá tình cờ. Thịt bò ăn nhiều không hết, không có tủ lạnh để bảo quản như bây giờ, người ta nghĩ ra cách treo từng thớ thịt lên trên ngọn lửa, vô tình mà tạo ra món ăn độc đáo đầy hấp dẫn trên.
Thớ thịt bò giàng trông xa cứ như miếng rễ cây, nâu ong óng, sần sùi, nhưng chẳng ai ngờ nó lại ngon một cách ám ảnh đến thế. Món ngon kỳ công. Để có được một mẻ bò giàng, bếp lửa phải đỏ suốt 3, 4 ngày. Khuôn mặt của người chế biến cũng hồng lên như ngọn lửa đang lem lém vào từng thớ thịt tươi roi rói.
Thịt bắp bò tươi, nhỏ thớ được chặt thành từng khúc dài cỡ gang tay, ướp với muối, bột ngọt, hạt tiêu, gừng, đường, hạt tiêu đỏ, ngũ vị hương…chừng một tiếng đồng hồ, cho thật thấm. Từng miếng thịt được xâu vào que tre, treo lên trên bếp củi đang đượm lửa. Cứ đun cho lửa cháy nhỏ đều chừng 3, 4 ngày là có một mẻ bò giàng chỉ nhìn thôi đã thấy no con mắt.
Thịt bò vừa giàng xong có màu đỏ au quyến rũ, lấm chấm những hạt ớt vàng tươi, hạt tiêu đen óng, những lát gừng, lát ớt…Từ những thanh thịt vẫn còn nóng hổi, hương thơm tỏa ra không chỉ đơn thuần là cái thơm nức mũi của thịt bò nữa mà có cả sự nồng nàn, ngất ngây của làn khói mỏng. Khói củi ám vào từng sớ thịt, vừa đủ để dậy lên cái hương vị nguyên sơ của núi rừng.
Ngọn lửa hồng suốt mấy ngày dài làm cho miếng thịt bò săn lại như khúc gỗ, phải dùng chày đập thật giập rồi mới có thể xé nhỏ ra thành từng sợi. Tuy vậy, nhai thật kỹ từng sợi thịt bò, vẫn không thấy giòn mà chỉ thấy cái dẻo dai quyện trong vị thơm ngọt đậm đà. Nếu lên thăm các bản người Thái ở nơi đây, thực khách còn có thể được nếm thử món canh nậm nhọc độc đáo cũng được chế biến từ thịt bò giàng.
Món canh đặc biệt này là sự tổng hợp của đọt mây rừng, hoa chuối rừng tươi đỏ, quả cà hái trên rẫy, và thịt bò giàng xé tơi. Trong tiết trời đông, vừa xuýt xoa với gió lạnh đẫm sương của núi, của rừng, húp một chén canh nóng bỏng đầu môi, cái đăng đắng của đọt mây, chan chát ngọt ngọt của hoa chuối rừng, của quả cà dại đưa đẩy vị ngọt đậm mê người của thịt bò khô như làm đầu óc tỉnh táo hẳn ra, và khắp châu thân như ấm dần lên.
Trong mâm cơm đón khách của người Kỳ Sơn, bên cạnh chén rượu ngô, rượu sắn, chẳng thể nào thiếu đĩa thịt bò giàng thơm lựng. Tợp một ngụm rượu cay nồng nàn đầu môi, nhón mấy sợi thịt bò dai dai cay cay tương ớt, câu chuyện cứ thế kéo dài đến vô tận.
Đậu Đình Cường
Cán bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt