KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN - WESTERN NGHE AN BIOSPHERE RESERVE

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY

Chiều 15/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá định kỳ 10 năm khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An và lấy ý kiến dự thảo khung kế hoạch chiến lược phát triển bền vững Khu DTSQ miền Tây Nghệ An năm 2017-2027. 

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Chủ trì hội nghị, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, đánh giá kết quả 10 năm hoạt động của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An là một sự kiện quan trọng có quy mô quốc tế, nhằm đánh giá toàn diện về các hoạt động trong 10 năm hoạt động và hiệu quả quản lý khu vực; xem xét lại mục tiêu, tầm nhìn và chính sách quản lý; chức năng, quy mô và sự tham gia của cộng đồng trong quản lý Khu DTSQ, đồng thời thảo luận về những hạn chế, thách thức, cơ hội và giải pháp. 

Tại hội nghị, các chuyên gia, đại diện Uỷ ban MAB Việt Nam, lãnh đạo các Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, và lãnh đạo 9 huyện nằm trong vùng lõi của Khu DTSQ đã cùng đánh giá, nhìn lại những thay đổi sau 10 năm phát triển của Khu DTSQ.

Nổi bật nhất là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tăng nhanh hàng năm. Đến năm 2015 là 228.106,85 ha, trong đó chiếm phần lớn diện tích thuộc các huyện trong phạm vi Khu DTSQ. Rừng được bảo vệ tốt hơn, độ che phủ rừng tăng từ 54.2% năm 2007 lên 64.7% năm 2016. Một phần kinh phí thu được từ chi trả DVMTR được ưu tiên đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, hỗ trợ các xã, thôn, bản nghèo.

Theo GS,TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam (MAB), thay đổi toàn diện và thành công nhất của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An là tư duy, quan niệm của các cấp, ngành và người dân trong mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. "Sự thành công của khu sinh quyển phụ thuộc rất nhiều đến dân trí của người dân ở đó" - vị GS, TS khẳng định.

Các địa phương nằm trong khu DTSQ phấn khởi cho biết, một trong những điều được thụ hưởng chính là những nguồn lợi từ hoạt động du lịch. Những địa điểm hấp dẫn thu hút khách du khách như: thác Khe Kèm (Con Cuông), thác Sao Va, thác 7 tầng (Quế Phong), “cổng trời” Mường Lống (Kỳ Sơn). Lượng khách du lịch đến tham quan tại đây tăng trưởng bình quân 10-12%/năm. Tổng số cơ sở lưu trú có trên địa bàn có khả năng phục vụ trên 800.000 lượt khách hàng năm. Người dân đặc biệt là người bản địa đã bắt đầu được hưởng lợi từ các giá trị, tài nguyên thiên nhiên, văn hoá của Khu DTSQ.

Không thể phủ nhận những giá trị mà Khu DTSQ mang lại, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Khi xây dựng Khu DTSQ, địa phương nào cũng quan tâm đến việc hưởng gì và mất gì. Tỉnh Nghệ An đã hưởng rất nhiều, và chỉ mất đi "một thứ". Đó là việc xoá nghèo".

Các hoạt động bảo tồn và phát triển tại Khu DTSQ đã tạo các sinh kế mới duy trì theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đóng góp vào cải thiện thu nhập và mức sống cho hộ dân. Một số giải pháp, cơ chế đã mang lại hiệu quả cao như: hướng dẫn viên du lịch, phục hồi và phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm hàng thủ công mây tre đan; phát triển chăn nuôi, trồng trọt các loài cây, con đặc sản của địa phương như vịt bầu Quỳ, lợn Nít, trồng cây bon bo, quế Quỳ, chè hoa vàng…

Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN. Ảnh: Mỹ Nga
Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng khi xây dựng Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Nghệ An được hưởng lợi rất nhiều. Ảnh: Mỹ Nga

Các giá trị, đặc trưng văn hoá của cộng đồng các dân tộc khu vực miền Tây Nghệ An như di tích, lễ hội, tập quán, tri thức bản địa được gìn giữ, phục hồi và phát triển, mở rộng. Nhiều công trình di tích lịch sử văn hoá vật thể và phi vật thể được tu bổ và phát triển trở lại theo hình thức xã hội hoá với sự tham gia chủ đạo của người dân và doanh nghiệp.

Cùng thảo luận về các thách thức, các cơ hội; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm trong việc quản lý và khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng mà khu dự trữ sinh quyển miền Tây mang lại. GS,TS Nguyễn Hoàng Trí,  Chủ tịch MAB đề nghị trong chiến lược phát triển khu sinh quyển, tỉnh Nghệ An nên xác định Khu DTSQ trở thành ‘công cụ’ phát triển kinh tế-xã hội. Điều này không những mang lại những giá trị thiết thực cho chính tỉnh nhà, mà còn đóng góp những giá trị bền vững vào sự phát triển chung của quốc gia và thế giới.

Đồng tình với ý kiến trên, GS.TSKH Trương Quang Học, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và môi trường cho rằng, một trong những thách thức trong khung chiến lược của Khu DTSQ là việc lồng ghép các hoạt động bảo tồn và phát triển Khu DTSQ vào quy hoạch phát triển ngành, vào các chương trình dự án phát triển của tỉnh. Đại biểu đã đưa ra một số giải pháp như: UBND tỉnh phải là đầu mối chung để chỉ đạo việc lồng ghép, đồng thời Ban quản lý dự án phải xây dựng được quy trình hướng dẫn; cần phân vùng sinh thái xã hội để phát huy tiềm năng đa dạng sinh học thành nguồn lực cụ thể để phát triển kinh tế.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga

Đề xuất khung chiến lược cho khu DTSQ miền Tây Nghệ An, các đại biểu thống nhất 7 chương trình hoạt động lớn: hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường năng lực quản lý Khu DTSQ; bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn giá trị văn hoá và phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế sinh thái; đẩy mạnh truyền thông và giáo dục; lồng ghép các hoạt động của Khu DTSQ vào các quy hoạch, dự án phát triển của tỉnh; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban quản lý Khu DTSQ tiếp thu và hoàn thiện báo cáo hoạt động 10 năm Khu DTSQ theo hai mẫu của UNESCO và của Chính phủ Việt Nam, đảm bảo tiến độ trình lên UNESCO. Đồng thời, cần có sự phối hợp liên ngành để xây dựng khung kế hoạch chiến lược phát triển bền vững khu DTSQ miền Tây Nghệ An năm 2017-2027, tập trung vào các nguồn: tài chính, nhân lực và thể chế quản lý. 

                                                                                                                                                                               Mỹ Nga - Văn Trường
                                                                                                                                                                               Nguồn: Báo Nghệ An