Mường Đán là tên gọi chung dành cho hai bản Na Sái và Hủa Mương (Xã Hạnh Dịch, Quế Phong). Bản cổ Mường Đán của đồng bào Thái ở mạn 'Chín bản mười mường' này còn lưu giữ được rất nhiều nét đặc sắc về văn hóa. Mường Đán còn là một trong số ít các bản làng ở miền Tây xứ Nghệ có những ngôi nhà sàn lợp bằng mái Sa mu.
Gần như sống biệt lập với thế giới bên ngoài, đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây xứ Nghệ đến nay vẫn còn lưu giữ được nét đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống đáng quý của mình.
Làng Thái cổ CÒN là một trong những nơi được huyện Quế Phong chọn làm điểm xây dựng du lịch cộng đồng. Đến đây khách tham quan sẽ được tự mình trải nghiệm trên khung cửi để dệt vải, xe tơ qua sự hướng dẫn của các bà, các mẹ.
Ngoài ra du khách còn được giã gạo bằng tay, được tự mình vào bếp để chế biến các món ăn dân giã của đồng bào Thái, đặc biệt, được hoà mình trong điệu nhảy sạp, khắc luống rộn ràng và ngây ngất trong men rượu cần nồng nàn.
Cuộc sống của bà con người Thái ở Mường Đán chủ yếu là “tự sản, tự tiêu”, nghĩa là tự sản xuất rồi tự tiêu thụ lấy, không cần trao đổi, mua bán hàng hóa và gần như không cần dùng đến tiền.
Mỗi khi nhà ai đó trong bản có khách, họ quý như bắt được vàng, cùng nhau tập trung ngồi lại với nhau, không ai bảo ai, mỗi người một tay làm nên mâm tiệc đậm đà hương vị ẩm thực cùng với văn hóa rượu cần của người bản địa để đãi khách.
Đây chính là nơi lý tưởng để phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng - một loại hình du lịch mới mẻ đang “hút” khách ở Nghệ An và nhiều tỉnh thàn trên cả nước.
Nguyễn Tiến Hưng
Thư ký BQL Khu DTSQ miền Tây Nghệ An